Kiến trúc tổng thể Tòa_Thánh_Tây_Ninh

Tòa Thánh Tây Ninh nhìn ngangBên trong Tòa Thánh Tây Ninh

Theo thiết kế ban đầu, kích thước Tòa Thánh được quy định dài 135m, rộng 27m, nền cao 1,8 m. Tuy nhiên, khi mới khởi công xây dựng Tòa Thánh, tín đồ khi đó còn nghèo, Hội Thánh gặp khó khăn về tài chính nên khi thi công đã thu bớt lại kích thước trên. Kích thước thực tế chỉ còn dài 97,5m, rộng 22m[6]. Theo quan niệm của các tín đồ Cao Đài, thiết kế và kích thước Tòa Thánh do Đức Giáo tông Lý Thái Bạch giáng cơ quy định theo hệ mét, tuy nhiên về sau được Đức Chí Tôn giáng cơ quy định lại theo hệ thước ta (thước mộc) nên quy đổi ra kích thước như trên[7].

Tổng thể Đền Thánh mang hình tượng Long Mã bái sư. Mặt tiền Đền Thánh như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía tây, là khu vực Hiệp Thiên Đài. Hai lầu chuông và trống vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa hai lầu chuông trống là tòa nhà lầu với tầng trệt có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Tầng hai có tên Phi Tưởng Đài, như cái trán với 2 cửa được coi như hai con mắt. Phần thân Long Mã là khu vực Cửu Trùng Đài, nối tiếp theo Hiệp Thiên Đài. Khu vực Bát Quái Đài nằm phía cuối của Đền Thánh, phần đuôi của Long Mã, hướng thẳng về phía đông[8]. Chung quanh Tòa Thánh có tất cả 112 cây cột tròn để chống đỡ mái hiên nơi hành lang. Tính tổng cộng ở tầng trệt Tòa Thánh, cả bên trong và bên ngoài, có tất cả 156 cây cột lớn nhỏ.

Xung quanh vách của Đại điện có những khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình Thiên Nhãn chính giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát ra. Toàn thể vách xung quanh Linh Tiêu Điện (Đại điện Tòa Thánh) có tất cả 23 ô hoa sen có hình Thiên Nhãn, cộng với biểu tượng Thiên Nhãn trên Phi Tưởng Đài phía trước Tòa Thánh, tổng cộng 24 Thiên Nhãn. Ngoài lối vào chính qua Tịnh Tâm Điện, có cả thảy 6 lối vào phụ, hai bên có tượng Kim Mao Hẩu.

Hiệp Thiên Đài

Tượng đắp nổi quyền Giáo tông Lê Văn Trung tại Bạch Ngọc Chung Đài.

Hai bên lối vào Đền Thánh là Lầu chuông (bên trái) còn có tên gọi là Bạch Ngọc Chung Đài và Lầu trống (bên phải) có tên là Lôi Âm Cổ Đài. Cả hai lầu đều cao 27 mét tính từ mặt đất đến nóc, cao 28,20 mét nếu tính đến miệng hồ lô, có 6 tầng với chiều cao khác nhau, có mái ngắn phân chia các tầng.

Bạch Ngọc Chung Đài phía dưới có lắp ô thông gió, tạo hình chữ "CAO" bằng chữ Quốc ngữ và cả chữ Hán, trên đó có 2 bộ thông gió tạo hình 4 chữ "Bạch Ngọc Chung Đài" (1 bộ phía trên bằng chữ Quốc ngữ, 1 bộ ở dưới bằng chữ Hán). Tầng trên có đắp tượng Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung mặc Đại phục đứng trên quả địa cầu, tay phải cầm quyển Thiên Thơ. Trong lầu có treo một cái chuông lớn gọi là Bạch Ngọc Chung.

Lôi Âm Cổ Đài phía dưới có lắp ô thông gió, tạo hình chữ "ĐÀI" bằng chữ Quốc ngữ và cả chữ Hán, trên đó cũng có 2 bộ ô thông gió tạo hình 4 chữ "Lôi Âm Cổ Đài" (1 bộ phía trên bằng chữ Quốc ngữ, 1 bộ ở dưới bằng chữ Hán). Tầng trên có đắp tượng Nữ Đầu sư Hương Thanh mặc Đại phục đứng trên quả địa cầu, tay phải cầm nhánh bông, tay trái xách giỏ hoa. Trong lầu có treo một cái trống lớn gọi là Lôi Âm Cổ.

Đỉnh của cả hai lầu dưới cột thu lôi có tạc hình giỏ hoa lam là bửu pháp của Long Nữ, thị giả của Quan Thế Âm, được cho là tiền kiếp của Nữ Đầu sư Hương Thanh và một hồ lô cùng một cây gậy là bửu pháp của Lý Thiết Quả trong Bát Tiên, được cho là tiền kiếp của Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.

Phía trong giữa hai lầu chuông trống có tượng Ông Thiện - Ông Ác dựa trên sự tích 2 vị hoàng tử Tỳ Văn và Tỳ Vũ, con vua Tỳ Kheo, trên có mái che.

Cao Đài Tam Thánh. Từ trái sang phải: Tôn Dật Tiên, Victor HugoNguyễn Bỉnh Khiêm

Khu vực lối vào chính có tên là Bán Nguyệt Đài phía trước có đúc 4 cột trụ gọi là cột Long Hoa. Mỗi bên có hai cột song song, một đắp hình rồng đỏ (Long), một đắp hình hoa sen (Hoa), chạm trổ rất tinh vi, màu sắc rực rỡ, tượng trưng Đại hội Long Hoa, một giai đoạn chuyển kiếp tiến hóa của nhân loại. Để vào Đền Thánh, người ta phải bước qua năm bậc thềm, tượng trưng cho Ngũ Chi Đại Đạo và năm bước tiến hóa của nhân loại theo quan điểm của đạo Cao Đài: Người, Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Phía giữa lối vào là một bức họa, trên đó vẽ một bàn tay từ trong mây đưa ra cầm một cán cân đặt trên quả địa cầu, gọi là hình tượng Cân Công Bình, tượng trưng cho công lý phán xét công tội của con người trước khi được chuyển kiếp tiến hóa. Phía bên phải lối vào là tượng ông Thiện, mình mặc giáp, đầu đội kim khôi, tay cầm đại đao nhưng gương mặt hiền từ, tượng trưng cho điều thiện (chánh tâm). Phía bên trái lối vào là tượng ông Ác, cũng mặc khôi giáp, nhưng gương mặt dữ dằn, một tay cầm búa, một tay cầm Ngọc ấn tỷ phù, tượng trưng cho điều Ác (vọng tâm).

Bao Lơn Đài

Từ ngoài chính diện nhìn vào Tòa Thánh ta thấy có một bao lơn xây hình bán nguyệt, có tên là Vinh dự Công Lao Chi đài, còn gọi là Đài Danh dự, Bao Lơn Đài, Bán Nguyệt Đài, hay Lao Động Đài, đắp hình tượng 8 nghề trong xã hội tương ứng với các bức phù điêu:

  • Sĩ: Châu Mãi Thần
  • Nông: Vua Hạ Võ trị thủy.
  • Công: Toại Nhân - Hữu Sào.
  • Thương: Phạm Lãi - Tây Thi.
  • Ngư: Khương Thượng ngồi câu.
  • Tiều: Bá Nha - Tử Kỳ
  • Canh: Ngu - Thuấn cày voi.
  • Mục: Sào Phủ - Hứa Do

Phía trên 2 ô cửa đắp nổi 2 chữ Hán là Nhân (bên phải) và Nghĩa (bên trái).

Lầu Hiệp Thiên Đài

Phía trên Tịnh Tâm Điện gọi là Lầu Hiệp Thiên Đài, hay thường được gọi nôm na là "Sàn Đồng Nhi", hay "Lầu Nhạc" do lầu này là nơi hành sự của ban nhạc và ban đồng nhi khi diễn ra các cuộc lễ bên trong có một bán bán nguyệt cho ban nhạc, một nghi thờ Đức Hộ pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh và Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài.

Bên ngoài bao lơn một lá đạo kỳ thường được treo ngay giữa bao lơn, gồm 3 phần: phần màu vàng trên cùng, thêu 6 chữ Hán "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ", phần giữa màu xanh thêu hình Thiên Nhãn và Cổ Pháp Tam Giáo (kinh Xuân Thu, cây Phất Chủ, bình Bát Vu), phần dưới màu đỏ và để trơn. Kích thước của lá Đạo kỳ này tại Tòa Thánh và ở các cơ sở địa phương đều có tỉ lệ là 2:3, cụ thể với lá Đạo kỳ treo ở Tòa Thánh là 180x270 cm.

Phi Tưởng Đài

Phía trên của Lầu Hiệp Thiên Đài là Phi Tưởng Đài hay Thông Thiên Đài, hay Tiêu Diêu Điện. Phía ngoài được đắp nổi biểu tượng Thiên Nhãn. Trên cao có tượng Phật Di Lặc ngồi trên lưng cọp và tòa sen. Biểu tượng con cọp tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm Khai Đạo Cao Đài. Bên trong cũng lập một nghi thờ Thiên Nhãn không có tam giáo, tam trấn, ngũ chi. Nơi đây là nơi dành cho Hộ pháp hoặc Giáo Tông thông công cùng các cõi vô hình khi cần giải quyết các vấn đề mang tính chất lịch sử, liên quan đến vận mệnh một đất nước, biến cố lớn của Đạo hay sự tồn vong của một chế độ chính trị,...

Tượng Hộ pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh

Tượng Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh (Tòa Thánh Tây Ninh).

Gian trong của Đền Thánh gọi là Bửu điện, hoặc Đại điện, Chánh điện. Phía sau bức tranh Tam Thánh Cao Đài, đối diện với bàn thờ Thượng đế là cốt tượng của 3 vị chức sắc cao cấp nhất của Hiệp Thiên Đài là Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư và Thượng sanh Cao Hoài Sang đứng trên 3 tòa sen, đặt trên ba cái đôn. Tượng Hộ pháp Phạm Công Tắc ở giữa, mặc giáp cổ, đứng trên tòa sen giữa có bậc cao nhất, tay cầm roi Kim Tiên, phía sau đắp nổi chữ Khí lớn bằng Hán tự. Tượng Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở phía bên phải tượng Hộ pháp, mặc Đại phục, tay mặt cầm Long Tu Phiến có gắn Phất Chủ, tay trái cầm xâu chuỗi Từ Bi, phía sau là cây phướn Thượng phẩm. Tượng Thượng sanh Cao Hoài Sang ở phía bên trái tượng Hộ pháp, đứng trên tòa sen, mặc Đạo phục, tay phải cầm cây Phất Chủ, tay trái nắm xâu chuỗi Từ Bi, sau lưng thì giắt Thư Hùng kiếm, phía sau là cây phướn Thượng sanh. Trên 2 cột hai bên chữ KHÍ có đôi liễn bằng chữ Hán:

PHẠM giáo tùy nguơn cứu thế độ nhơn hành chánh pháp,MÔN quyền định hội trừ tà diệt mị hộ chơn truyền.

Nghĩa là:

Phật dạy tùy thời kỳ mà cứu độ người đời thi hành theo Chánh pháp,Quyền lực của cửa Đạo định ra thời kỳ trừ diệt tà mị bảo hộ chơn truyền.

Một biểu tượng Thất Đầu Xà (rắn 7 đầu), thân mình quấn vào cả ba cái đôn, đuôi rắn quấn tròn vào đôn tượng Thượng sanh, thân quấn vào đôn tượng Thượng phẩm. Riêng 7 đầu rắn đều có ghi Hán tượng trưng cho Thất tình của con người, tạo thành một hệ bệ đỡ và lưng tựa sau lưng tượng Hộ pháp.

Theo các tín đồ Cao Đài, Hiệp Thiên Đài do Hộ pháp chưởng quản, tượng trưng ý thức. Tượng Hộ pháp phải mặc áo giáp bởi vì ý thức của con người lúc nào cũng phải đối mặt với những cuộc chiến trong tư tưởng, nhất là cuộc chiến với những yếu tố tâm lý của chính bản thân, làm cho con người rối loạn, không sáng suốt từ đó dễ gây ra tội lỗi. Tượng Hộ pháp đứng trên ngai Thất Đầu Xà ngụ ý hướng dẫn tín đồ luyện tập tư tưởng của mình. Chân Hộ pháp đứng bên trên 4 đầu rắn có chữ Nộ (hờn giận), Ai (buồn), Ố (oán ghét), Dục (ham muốn) tượng trưng cho 4 tính xấu cần chế ngự, và lưng tựa vào 3 đầu rắn hướng lên tức 3 tính tốt cần nuôi dưỡng là: Hỉ (vui mừng), Ái (thương xót), Lạc (vui vẻ).

Phần dưới 3 bệ tượng Hộ pháp, Thượng phẩm, Thượng sanh là 5 bậc thềm hình bán nguyệt, gọi là Ngũ Lôi Đài, dành cho Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài đứng chầu lễ Đức Chí Tôn.

Cửu Trùng Đài

Quang cảnh bên trong Chánh điện Tòa Thánh. Vị trí thang cuốn chính là Giảng đài.

Phần giữa Bửu điện là khu vực Cửu Trùng Đài, nối liền Hiệp Thiên Đài với Bát Quái Đài.

Chánh Điện

Khu vực này có 18 cột trụ phân làm 2 bên, được trang trí hình rồng, chạm khắc tinh xảo. Các hàng cột trụ này hợp với nền điện, phân khu vực Cửu Trùng Đài thành 9 gian, mỗi gian có cao độ chênh nhau 18 cm, đây là khu vực hành lễ của mỗi phẩm cấp tín đồ trong Cửu Trùng Đài. Khi diễn ra các buổi lễ cúng, các Chức sắc và tín đồ sẽ có vị trí riêng (một trong 9 cấp) của Chánh điện tương ứng với hàng phẩm của mình trong Đạo.

Bên trên trần tạo hình lafont dù, sơn vẽ hình mây, ngôi sao, tượng trưng cho các tầng trời, giữa mỗi ô lafont có đắp ô thông gió hình sáu con rồng đoanh nhau, thường được nhắc đến với câu kinh trong bài kinh Ngọc Hoàng Thượng đế: "Thời thừa lục long, du hành bất tức".

Nghinh Phong Đài

Toàn bộ khu vực Cửu Trùng Đài lợp ngoài màu đỏ. Phía trên gian cuối phần mái Cửu Trùng Đài có một đài cao 17m, gọi là Nghinh Phong Đài, phần dưới hình vuông, phần trên hình vòm mang nửa quả địa cầu, trên có tượng Long Mã mang Hà Đồ chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng Đông, hàm nghĩa "Đạo phát ư Đông, di ư Tây, phản hồi ư Đông" (Đạo xuất phát từ phương Đông, truyền qua phương Tây, rồi cũng trở về phương Đông).https://khoinhonsanh2014.blogspot.com/2020/01/3048-ky-120-nam-la-mot-ky.html#more

Giảng Đài

Ở vị trí các hàng long trụ, hai long trụ thứ 5 (Từ thấp lên cao, nằm giữa cấp số 5 lên số 6, nằm phía trên cửa hông) là một cặp Giảng Đài, có cầu thang cuốn và bao lơn được đỡ lấy bằng sáu tia nước từ miệng Thanh long phun ra. Ngoài tên Giảng Đài, đài này con được nhiều người gọi là Long Đài. Trong các cuộc lễ Tiểu đàn, Đại đàn, đây là đài quan sát dành cho 2 vị chức sắc được giao nhiệm vụ điều khiển cả đàn cúng.

Long đài bên phải (nhìn từ Hiệp Thiên Đài vào): dành cho một vị chức sắc Cửu Trùng Đài phái Ngọc (nam) là người của Lễ Viện Cửu Trùng Đài, vị chức sắc này thực hiện các câu "xướng" (là tên các nghi tiết được định sẵn trong một đàn cúng Tiểu - Đại đàn, sắp xếp theo thứ tự từ đầu đễn hết cuộc lễ). Các bộ phận có nhiệm vụ trong đàn cúng nghe theo câu xướng của vị Chức sắc này để thực hiện bổn phận của mình.

Long đài bên trái (nhìn từ Hiệp Thiên Đài vào): Trên đài này có gắn thêm một bóng đèn màu đỏ, được mắc liên kết đến 1 bóng đèn Hiệp Thiên Đài và 1 bóng đèn ở Nghinh Phong Đài [9], 3 bóng đèn được điều khiển chung bởi 1 công tắc ở Long Đài. Đài này dành cho một vị chức sắc Bộ Nhạc được giao trách nhiệm, ông tùy nghi mà dùng một cành bông sen trên tay hoặc công tắc của 3 bóng đèn để điều khiển ban nhạc trong Đàn cúng.

7 Cái Ngai

Tại cấp thứ 9 của Cửu Trùng Đài, tiếp giáp Cung Đạo ta sẽ thấy bảy cái ngai sơn son thiếp vàng. Theo thứ tự từ cao xuống thấp:

  • Ngai cao nhất dành cho Giáo Tông của đạo Cao Đài, là người anh cả của toàn Đạo Cao Đài, tương ứng với Giáo hoàng của Công giáo, ngai này được chạm hình rồng.
  • 3 ngai tiếp theo dành cho 3 vị Chưởng Pháp, chạm hình phụng.
  • 3 ngai dưới cùng dành cho 3 vị Đầu Sư, chạm hình lân.

Cung Đạo

Cung Đạo nhìn từ bên ngoài.

Từ ngoài vào, sau 9 cấp của Cửu Trùng Đài có một cấp trung gian ngắn hơn các cấp dưới, tiếp giáp Bát Quái Đài được gọi là Cung Đạo. Trên nóc Cung Đạo đúc vòm Trời và một hình bầu dục mây trắng chung quanh những tia hào quang dài (12) xen kẻ với những tia hào quang ngắn (24). Bên trong có chạm hình Thiên Nhãn, một người nam tượng trưng cho nhân loại. Đại ngọc cơ, tiểu ngọc cơ với bảng mẫu tự A,B,C..., một cái bàn ba chân dùng xây bàn, một ống xăm, tất cả là những phương tiện thông công giữa người và cõi vô hình. Trong kỳ lập Đạo lần này, Đức Thượng đế đã dùng Cơ bút để dạy Đạo ở buổi đầu.

Nơi đây tương tự như Phi Tưởng Đài, là nơi thông công cùng cõi vô hình, nhưng với các trường hợp ít hệ trọng hơn như xin thăng thưởng, phong phẩm, ban sắc phái, hay giải quyết các vấn đề đạo sự,...

Bát Quái Đài

Quả Càn Khôn và Thiên nhãn

Khu vực Bát Quái Đài nằm phía cuối của Đền Thánh, phần đuôi của Long Mã, hướng thẳng về phía đông[8]. Mái của Bát Quái Đài được sơn màu vàng.

Gian này có 8 cột trụ rồng xếp thành Bát quái. Giữa là quả Càn Khôn đường kính 3,3m tượng trưng cho vũ trụ với Thiên Nhãn nằm trên vì sao Bắc Đẩu xung quanh là 3072 vì sao tượng trưng 72 quả địa cầu và 3000 thế giới. Dưới thờ long vị Tam Tông Chơn Giáo, Tam Trấn, Ngũ chi.

Nền Bát Quái Đài có 12 bậc, mỗi bậc cao 10 cm với 8 cạnh, dưới to trên nhỏ theo hình tháp. Mười hai bậc tượng trưng cho 12 tầng Trời. Theo giáo lý Đạo Cao Đài thì Thượng đế là Đấng Thập nhị Khai Thiên (số 12 là số riêng của Trời). Bậc đầu tiên cao hơn mặt đất 2,4m và bậc trên cùng cao hơn mặt đất là 3,6m (bội số của 12)

Bao Lam

Bao Lam (Tòa Thánh Tây Ninh).

Phía trên Cung Đạo có đúc một bao lam hình chữ M ở giữa hai trụ rồng vàng, tạc tượng các Giáo chủ của Tam giáo, Tam Trấn và Ngũ chi Đại Đạo, gồm:

  • Đức Phật Thích Ca, giáo chủ Thích giáo, tượng trưng Phật đạo.
  • Đức Lão Tử, giáo chủ Đạo giáo.
  • Đức Khổng Tử, giáo chủ Nho giáo.
  • Đức Lý Thái Bạch tượng trưng Tiên đạo, kiêm Giáo Tông đạo Cao Đài, đại diện cho "Trí".
  • Đức Quan Thánh Đế Quân, đại diện cho "Dũng".
  • Đức Quan Âm Như Lai, đại diện cho "Bi".
  • Đức Jesus Christ, giáo chủ đạo Gia Tô, tượng trưng Thánh đạo.
  • Đức Khương Thượng Tử Nha, tượng trưng Thần đạo.

Một bao lam bên tả đắp hình tượng Bát Tiên, gồm:

  • Hán Chung Ly
  • Lữ Đồng Tân
  • Trương Quả Lão
  • Lý Thiết Quả
  • Lam Thể Hòa
  • Tào Quốc Cựu
  • Hà Tiên Cô
  • Hàn Tương Tử

Một bao lam bên hữu đắp hình tượng Thất Thánh, gồm:

  • Lý Tịnh
  • Na Tra
  • Kim Tra
  • Mộc Tra
  • Dương Tiễn
  • Lôi Chấn Tử
  • Vi Hộ

Hầm Bát Quái

Phần dưới của 12 cấp Bát Quái Đài, tức là thuộc phần nền của Bát Quái Đài, có đào một cái hầm lớn gọi là hầm Bát Quái hay hầm Tàng Bửu Khánh, được xây cất kiên cố theo hình Bát Quái, có thông hơi và có nắp đậy chắc chắn, có cầu thang đi xuống, gọi là Hầm Bát Quái. Hầm Bát Quái được dùng làm nơi cất giữ tro thiêu hài cốt của các Chức sắc Đại Thiên Phong từ hàng Tiên vị trở lên, tức là từ phẩm Đầu Sư hay tương đương trở lên. Hài cốt nầy đặt trong liên đài, được lấy ra từ các bửu tháp, đem làm lễ hỏa thiêu tại Cửu Trùng Thiên nơi Đại Đồng Xã trước Tòa Thánh, lấy tro đựng vào thố, bên ngoài có ghi rõ phẩm tước, Thánh danh, năm sanh năm tử, và ngày hỏa thiêu, để lưu truyền kỷ niệm về sau.

Trong Hầm Bát Quái hiện nay có đặt sáu cái thố đựng tro thiêu hài cốt của 6 vị Chức sắc Đại Thiên phong đã đăng Tiên, kể ra sau đây:

  • Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung
  • Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư
  • Bảo Đạo Ca Minh Chương
  • Nữ Đầu Sư Lâm Hương Thanh
  • Đầu Sư Thái Thơ Thanh
  • Đầu sư Ngọc Trang Thanh

Quả Càn Khôn

Ở các Thánh thất (cơ sử thờ tự cấp cơ sở của Đạo Cao Đài) chỉ được cho phép thờ Thánh Tượng Thiên Nhãn (một bức tranh vẽ hình Thiên Nhãn), riêng ở Tòa Thánh Tây Ninh thì thay vào đó là một khối cầu lớn có vẽ Thiên Nhãn, được gọi là Quả Càn Khôn.

Theo giáo lý của Đạo Cao Đài, Quả Càn Khôn có hình cầu, đường kính 3,30 mét, bên trên có vẽ đúng 3072 ngôi sao, bao gồm: Tam thiên thế giới (3000 thế giới) và Thất thập nhị địa (72 quả địa cầu)[10] tượng trưng cho Càn khôn Vũ trụ hữu hình[11] mà Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng đế cai quản và Thiên Nhãn được vẽ trên vì sao Bắc Đẩu. Ngoài ra, ở tâm của Quả Càn Khôn còn có đặt một ngọn đèn gọi là đèn Thái Cực được giữ cháy sáng xuyên suốt ngày đêm, tương tự như những ngọn đèn Thái Cực ở các Thánh thất hay trên Thiên bàn tại nhà của các tín đồ. Qua đó có thể thấy Quả Càn Khôn biểu thị rõ rệt Triết lý về Vũ Trụ Quan của Đạo Cao Đài.